THIẾT KẾ HOẠT ĐỘNG HỌC
Đề tài: Tạo hình con chim từ giấy bìa
Chủ đề : Thế giới động vật
Lĩnh vực : Phát triển thẩm mỹ
Độ tuổi : 4-5 tuổi
Người thực hiện : Lương Thị Phương
Đơn vị : Trường mầm non Tam Cường
I . Mục đích yêu cầu :
1:Kiến thức:
-Trẻ biết một số đặc điểm nổi bật của con chim như đầu,mắt, mình,cánh, đuôi
-Trẻ biết quy trình cách thức để tạo ra và gấp, cắt, dán để tạo thành chú chim ngộ nghĩnh từ giấy bìa .
-Trẻ biết nhận xét sản phẩm của mình của bạn
2: Kỹ năng:
-Rèn cho trẻ kỹ năng gấp,cắt, sắp xếp dán để tạo thành những chú chim ngộ nghĩnh
-Phát triển kỹ năng quan sát tưởng tượng của trẻ thông qua hoạt động
-Rèn ở trẻ kỹ năng hoạt động nhóm
3:Thái độ
-Trẻ hứng thú tích cực tham gia các hoạt động cùng cô
-Trẻ biết giữ gìn và đặt tên cho sản phẩm của mình
II. Chuẩn bị :
-Nhạc bài hát “con chim non ”, nhạc không lời
-Vật mẫu của cô, que chỉ
-Mỗi nhóm 2 rổ đựng kéo, keo dán, ống mút cắt sẵn . 2 rổ đựng giấy bìa màu cắt sẵn. Đĩa đựng khăn lau tay
III: Cách tiến hành
Hoạt động 1 : Gây hứng thú
Cô và trẻ cùng múa hát vận động bài con chim non
-Cô và trẻ cùng đi tìm xem tiếng kêu của con vật gì ?
-Cô giới thiệu có 1 bạn chim đến chơi với lớp chúng mình
- Các con nhìn xem con chim này được làm từ gì ?
-Màu sắc như thế nào ?
-Đây là gì của con chim ?
-Đầu chim thì giống hình gì ?
-Ở giữa đầu con chim có gì ? Mắt chim màu gì ? mỏ chim giống hình gì ? mỏ chim dùng để làm gì ?
-Phần gì của con chim đây ?
-Từ những hình tròn, tam giác , chữ nhật chúng mình có thể tạo ra được những chú chim ngộ nghĩnh và đáng yêu đấy
Hoạt động 2 :Những chú chim đáng yêu
-Để làm được chú chim đáng yêu các con chú ý quan sát lên cô hướng dẫn chúng mình nhé .
Cô vừa làm mẫu vừa phân tích hướng dẫn trẻ làm. Trước tiên cô chọn 2 hình tròn to chập vào nhau sau đó gấp lại sao cho 1 nửa to , 1 nửa bé . Nửa tô cô sẽ làm mình của con chim , nửa bé cô sẽ dùng kéo cắt những đường chéo để làm cánh của con chim .sau đó cô tách 2 hình tròn ra. Cô nhặt 1 hình chữ nhật lên dùng kéo cắt đường thẳng để tạo thành đuôi chim .Tiếp theo cô lấy 1 hình tròn nhỏ , cô dùng bút dạ vẽ vào chính giữ hình tròn để làm mắt chim , Cô nhặt hình tam giác nhỏ dùng keo dán vào đầu hình tròn để tạo thành mỏ chim ,sau đó cô sẽ dùng keo dán đầu chim vào thân con chim, và cô bôi keo vào phần cuối của thân chim và dán đuôi chim vào , cuối cùng nửa thân còn lại cô sẽ gấp cánh ngược lại và dán vào thân chim , cuối cùng lấy ống mút đặt lên phía trên cuộn những đường cắt rời để sao cho cánh chim cong lên như vậy cô đã tạo ra được 1 chú
Chim ngộ nghĩnh và đáng yêu rồi đấy
- Các con có muốn làm chú chim đáng yêu như này không ?
-Vậy để làm được chú chim con làm như thế nào ?
-Trẻ nêu ý tưởng
-Khi gấp các con nhớ phải chú ý điều gì ?
-Khi dùng kéo cắt thì con phải làm sao ?
-Con sẽ phết keo như thế nào ?
Hoạt động 3 : Trẻ thực hiện
-Cô cho trẻ lấy đồ dùng và về nhóm ngồi thực hiện
-Khi trẻ thực hiện cô mở nhạc nhẹ không lời
-Cô quan sát theo dõi hướng dẫn , động viên khích lệ trẻ làm
Hoạt động 4 : Trưng bày sản phẩm
Cô cho trẻ cầm con chim trên tay đi một vòng và hát bài “ con chim non” và nhận xét
- Con thích con chim nào nhất ?
- Bạn làm con chim như thế nào ?
Cô nhận xét tuyên dương trẻ
Giáo dục trẻ biết yêu quý sản phẩm của mình
-Và cho trẻ mang chim tặng các cô
-Kết thúc cho trẻ cất dọn đồ dùng .
Người duyệt Người soạn
Lương Thị Thu Hương Lương Thị Phương
GIÁO ÁN KIỂM TRA HỌC KỲ I
Đề tài: Kể chuyện “Nhổ củ cải”
Chủ đề : Thực vật
Lĩnh vực : Phát triển ngôn ngữ
Độ tuổi : 4-5 tuổi
Ngày soạn: 26/12/2022
Người thực hiện : Hà Thị Kim Dung
Đơn vị : Trường mầm non Tam Cường
I. Mục đích yêu cầu
1. Kiến thức
- Trẻ nhớ tên truyện “ Nhổ củ cải”, biết truyện “ Nhổ củ cải” thuộc thể loại dân gian Nga.
- Trẻ biết tên các nhân vật trong truyện “ Nhổ củ cải”.
- Trẻ hiểu nội dung câu chuyện “ Nhổ củ cải”
- Trẻ biết nhập vai vào các nhân vật đóng kịch “ Nhổ củ cải”.
- Trẻ biết chơi trò chơi: Thu hoạch.
2. Kĩ năng
- Phát triển ở trẻ khả năng quan sát, nhận xét, ghi nhớ có chủ định.
- Phát triển ngôn ngữ cho trẻ nói tròn câu, mạch lạc, rõ ràng qua câu hỏi của cô.
3. Thái độ
- Trẻ chú ý lắng nghe cô kể chuyện, hứng thú tham gia vào vào hoạt động học
- Giáo dục trẻ yêu thương, đoàn kết, giúp đỡ nhau trong cuộc sống.
II.Chuẩn bị
1. Chuẩn bị của cô
- Giáo án, máy tính, loa. Nhạc bài hát “ vườn rau của ba”, nhạc nền kể chuyện.
- Mẹt đựng củ cải trắng.
- Sân khấu rối các nhân vật: Ông già, bà già, cháu gái, chó con, mèo con, chuột nhắt.
2. Chuẩn bị cho trẻ
- Trang phục gọn gàng.
- Mô hình ruộng củ cải, rổ.Mũ các nhân vật.
III. Tiến hành
* Hoạt động 1: Gây hứng thú
- Cô giáo đóng giả bà cụ bán củ cải vừa đi vào vừa rao:
+ Ai mua củ cải không, ai mua củ cải nào?
- Trẻ: Tôi mua, tôi mua.
- Bà chào các cháu! Cháu chào bà ạ
- Trẻ : Bà ơi củ cải của bà to thế ?
- Đọc vè: “Củ cải hôm nay củ to to lắm
Một tay bà bón một tay bà trồng
Khó nhọc bao công hôm nay đi chợ
Bà con cô bác xa gần vào mua”
- Các bé mua củ cải cho bà nhá?
- Bà ơi! Củ cải ngon quá. Bà làm thế nào để trồng được củ cải to và ngon như thế này ạ?
Các cháu yêu quý, để có những củ cải ngon này đi bán, ông bà đã phải bỏ bao công sức chăm bón thì củ cải mới to thế này đấy! để biết được ông bà trồng cây củ cải trắng này như thế nào sau đây bà sẽ kể cho các con nghe câu chuyện “ nhổ củ cải” nhé.
* Hoạt động 2: Kể chuyện cho trẻ nghe.
- Kể cho trẻ nghe lần 1: Kết hợp cử chỉ, điệu bộ, nét mặt, lời nói diễn cảm.
(Nhân vật bà kể chuyện)
+ Bà kể xong câu chuyện rồi, các bé có nhớ tên câu chuyện là gì không?
Các bé giỏi quá,đó chính là câu chuyện “ Nhổ củ cải đấy”
Câu chuyện “ Nhổ củ cải” được phỏng theo truyện dân gian Nga, nói về cả gia đình ông già phải hợp sức với nhau lại để nhổ cây củ cải khổng lồ mang về nhà đấy.
Đã đến giờ đi chợ rồi, bà phải đi bán củ cải đây, bà chào các cháu.
- Cô giáo bước vào: + Vừa rồi các bạn đã được gặp ai?
+ Bà mang điều thú vị gì đến tặng chúng mình?
Để hiểu rõ hơn về câu chuyện này các bạn cùng nghe cô kể lại một lần nữa nhé
- Cô kể cho trẻ nghe lần 2: Kết hợp với sân khấu rối.
* Hoạt động 3: Trích dẫn, đàm thoại, giảng giải từ khó
+ Trong câu chuyện có những nhân vật nào?
+ Ông già đã mang cây gì về trồng trong vườn?
+ Hàng ngày ông đã chăm sóc cây cải như thế nào?
+ Được sự chăm sóc của ông cây cải đã ra sao?
- Cô trích dẫn: “Cây cải không phụ lòng tốt của ông nó lớn nhanh như thổi, chẳng bao lâu nó đã trở thành một cây cải khổng lồ, to chưa từng thấy”
+ Thế nào được gọi là “cây cải khổng lồ” ?
Cô giảng giải: Khổng lồ có nghĩa là củ cải rất là to, to hơn gấp nhiều lần so với những củ cải khác đấy các con ạ
+ Khi ông nhổ củ cải chuyện gì đã xảy ra ?
+ Vậy ông già đã làm gì? Chúng mình cùng gọi bà ra giúp ông nào”
+ Bà già và ông già có nhổ được củ cải không các con? Vậy bà già đã gọi ai giúp? - Bà già gọi cô cháu gái như thế nào?
+ Cây cải đã được nhổ lên chưa, cô cháu gái đã nhờ ai ?
+ Cún con nhờ mèo con như thế nào?
+ Mèo con đã làm gì khi vẫn chưa nhổ được củ cải?
+ Khi mọi người trong nhà đều giúp ông bà nhổ củ cải thì có nhổ được củ cải không? Vì sao lại nhổ được củ cải lên?
+ Khi nhổ được cây cải lên thì mọi người cảm thấy thế nào?
- Qua câu chuyện các con học được điều gì?
=> Giáo dục: Các con ạ qua câu chuyện này cô mong rằng các con luôn ngoan ngoãn biết nghe lời ông bà,cha mẹ đoàn kết giúp đỡ bạn bè trong học tập cũng như vui chơi, ngoài ra các con nhớ ăn nhiều rau củ để giúp chúng mình luôn khỏe mạnh .
- Kể chuyện lần 3: Cho trẻ đóng kịch..
- Cô là người dẫn truyện , trẻ đóng vai các nhân vật trong truyện và thể hiện lời thoại của các nhân vật.
* Hoạt động 4: Trò chơi: Thu hoạch
- Các bạn ơi, bà già bán củ cải đang có 1 ruộng củ cải đến kỳ thu hoạch nhưng bà không làm kịp, bà có ý muốn nhờ các bạn giúp bà thu hoạch ruộng củ cải đó, các bạn có sẵn sàng giúp bà không.
- Cô nói cách chơi và luật chơi: Cô sẽ chia các bạn thành 2 đội (đội 1 và đội 2). Nhiệm vụ của các đội phải qua các chướng ngại vật để đến ruộng củ cải, thu hoạch từng củ cải mang về để vào rổ, mỗi một bạn chỉ được lấy một củ cải, lấy xong đi về cuối hàng đứng để cho bạn tiếp theo lên, thời gian chơi trong vòng một bản nhạc, khi kết thúc đội nào lấy được nhiều củ cải hơn sẽ là đội thắng cuộc.
- Tổ chức cho trẻ chơi
Cô nhận xét kết quả chơi
Người duyệt Người soạn
Lương Thị Thu Hương Hà Thị Kim Dung